Với các bạn sinh viên có thể đã nghe hoặc đã làm việc với
các hệ quản trị cơ sở dữ liệu như SQLServer hay MySQL, tuy nhiên nhiều bạn vẫn
còn khá lạ lẫm với hệ quản trị Cơ sở dữ liệu Oracle. Tôi viết bài này với
mục đích mang lại cho các bạn sinh viên, hoặc những bạn mới đi làm có một cái
nhìn gần gũi hơn với một trong những hệ quản trị Cơ sở dữ liệu hàng đầu thế giới.
Trước tiên, tôi xin tản mạn một chút thông tin về tập đoàn
Oracle. Oracle là một hãng phần mềm cho doanh nghiệp hàng đầu thế giới , cung cấp
rất nhiều các sản phẩm và giải pháp cho doanh nghiệp. Phần mềm nổi tiếng nhất của
Oracle đó là Oracle Database. Nó được phần lớn các doanh nghiệp thuộc các khối
viễn thông, ngân hàng, chính phủ sử dụng. Tại Việt Nam, tỷ lệ các doanh nghiệp
lớn sử dụng Oracle thậm chí còn nhiều hơn mức trung bình trên thế giới.
Oracle có những
ưu điểm gì mà có thể được sử dụng rộng rãi như vậy?
Vậy trước tiên, điều mà các doanh nghiệp lớn mong muốn ở một
hệ quản trị cơ sở dữ liệu là gì:
-
Tính ổn định:
Hầu hết dữ liệu của các doanh nghiệp
lớn lúc nào cũng phải trong trạng thái sẵn sàng truy cập. Việc ngừng trệ có thể gây nên những thiệt hại rất lớn đến
tiền bạc cũng như uy tín của tổ chức. Ví dụ: Hệ thống cơ sở dữ liệu của 1 nhà mạng
bị lỗi không thể truy cập trong vòng 1 tiếng, như vậy trong vòng 1 tiếng đó,
toàn bộ khách hàng sẽ không thể gọi điện, nhắn tin được. Đối với những khách
hàng hay có những cuộc điện thoại quan trọng, thì sự cố như trên xảy ra đến lần
thứ hai, họ sẽ sẵn sàng quay sang sử dụng mạng khác.
- Tính đáp ứng nhanh:
Trong các tổ chức lớn, dữ liệu
của họ cũng thường rất lớn. Bài toán đặt ra là làm sao để tìm được 1 dữ liệu cụ
thể trong 1 khối dữ liệu khổng lồ như thế. Một số hệ quản trị cơ sở dữ liệu hoạt
động rất tốt và nhanh chóng với những khối dữ liệu trung bình, nhưng khi dữ liệu
tăng trưởng đến một giá trị lớn, nhược điểm của chúng mới bộc lộ: Tốc độ truy vấn
ỳ ạch, đôi khi xảy ra lỗi không xác định,…
- Tính bảo mật:
Dữ liệu đối với công ty là cực kỳ
quan trọng, việc tiếp cận dữ liệu cũng phải được giao cho những người cẩn thận
và có uy tín trong tổ chức. Theo thống kê, 80% các vụ xâm nhập trái phép không
phải từ bên ngoài mà từ chính nội bộ tổ chức. Yêu cầu đặt ra là phải làm sao có
một cơ chế giám sát đủ mạnh để ngăn chặn những truy cập không chỉ từ bên ngoài
và chính trong nội bộ doanh nghiệp.
- Tính đa nền tảng:
Một tổ chức lớn thường có hạ tầng
công nghệ thông tin rất phức tạp, là sự kết hợp của nhiều nền tảng. Ví dụ:
Windows, Linux, Solaris, HP-UX, IBM AIX,… Một hệ quản trị Cơ sở dữ liệu lý tưởng
phải tương thích với tất cả các nền tảng để đáp ứng tính nhất quán, hoặc dễ
dàng hơn trong việc chuyển đổi nền tảng.
- Cam kết hỗ trợ từ hãng phần mềm:
Trong trường hợp
sự cố xảy ra mà bản thân doanh nghiệp không thể tự khắc phục được, doanh nghiệp
cần phải có một nguồn tư vấn chính thức và chịu trách nghiệm pháp lý trước những
tư vấn đó. Một số phần mềm cơ sở dữ liệu mã nguồn mở tuy có cộng đồng người
dùng đông đảo, nhưng những tư vấn từ cộng đồng thường mang tính cá nhân, không
chính thức nên không thể áp dụng trên dữ liệu của doanh nghiệp, tổ chức lớn được.
May mắn thay, Oracle gần như là sự lựa chọn tốt nhất để thỏa
mãn các yêu cầu như trên. Vậy đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ thì có sử dụng
được Oracle không?
Câu trả lời vẫn lại
là: Có.
Rào cản lớn nhất đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ khi tiếp cận
sử dụng Oracle Database đó là chi phí bản quyền. Đối với một hệ quản trị CSDL lớn
như Oracle, chi phí để có được bản quyền sử dụng phần mềm không phải rẻ so với
những hãng khác. Tuy nhiên, Oracle có những công thức tính chi phí bản quyền
linh hoạt dựa trên số lượng người dùng, hoặc số lượng CPU trên hệ thống, nên đối
với những hệ thống dữ liệu vừa và nhỏ, chi phí bản quyền phải bỏ ra cho Oracle
cũng sẽ không cao hơn so với những đối thủ cạnh tranh khác.
Tại sao quá ít sinh
viên biết đến Oracle?
Với các bạn sinh viên khối Công nghệ thông tin, những khái
niệm như Java, PHP, dotNet, C# ngày nay đã trở nên quen thuộc. Gần đây, theo sự
phát triển mạnh mẽ của những ứng dụng dành cho di động, những khái niệm mới cũng
được khai sinh và đang được nhiều bạn sinh viên theo học như lập trình di động
cho Android, iOS, Windows Phone. Rất nhiều hướng phát triển mà một sinh viên
ngành Công nghệ thông tin có thể lựa chọn: Bạn có thể trở thành 1 lập trình
viên di động, hay một người thiết kế website, hay một người quản trị mạng, hoặc
một nhà quản trị Cơ sở dữ liệu. Tôi không muốn cố gắng chứng minh hướng đi nào là tốt
nhất cho bạn, bởi vì bạn có thể kiếm được rất nhiều tiền ở bất kỳ một lĩnh vực
nào, chỉ cần bạn là người giỏi nhất ở lĩnh vực đó!
Quay trở lại với chủ đề của bài viết, Oracle không phải là
một hệ quản trị Cơ sở dữ liệu mới, nó ra đời vào cuối những năm 70 của thế kỷ trước,
tức là đã khoảng gần 40 năm!
Ở Việt nam, Oracle được sử dụng phổ biến ở các doanh nghiệp
viễn thông như Mobiphone, Vinaphone, Viettel, trong khối ngân hàng như
Vietcombank, Techcombank, Maritime Bank, MBBank, hay trong khối nhà nước như Tổng
cục Thuế, Tổng cục Hải Quan, Tòa án tối cao.
Các bạn đừng thấy tôi nêu ra những doanh nghiệp lớn như trên
mà vội nản, ý tôi muốn nói cơ hội nghề nghiệp nếu như bạn có kiến thức về
Oracle database là rất lớn. Mức lương trung bình dành cho một người quản trị Cơ
sở dữ liệu (DBA) là khá cao so với những vị trí khác trong ngành Công nghệ
thông tin. Phần lớn các bạn sinh viên khi ra trường đều chọn hướng đi lập trình
một ngôn ngữ nào đó, rất hiếm người chọn đi theo con đường DBA. Đó có thể cũng
là một lợi thế với những bạn nào lựa chọn làm một DBA chăng ?
Để làm một Oracle DBA không phải dễ dàng! Làm sao để bạn có thể thể hiện được đúng tầm vóc của một DBA? Ở một bài viết khác, tôi sẽ đề cập đến những phẩm chất phải có của 1 người DBA chân chính, hẹn gặp lại các bạn!
Duydx
Công ty nhận nhập khẩu hàng từ hàn quốc về việt nam chi phí thấp
Trả lờiXóaĐơn vị chuyên lấy hàng từ hàn quốc về việt nam giá thấp
Đơn vị nhận order phụ kiện quảng châu giá rẻ